Kosy

Quản trị theo mục tiêu tại Công ty Cổ phần Kosy

Ngày 21/02/2011

Xin trân trọng giới thiệu bài viết về: Quản trị theo mục tiêu tại Công ty Cổ phần Kosy của Ths.NCS Nguyễn Việt Cường – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Kosy và Ths.NCS Hoàng Thanh Hương – Giảng viên Khoa QTKQ – ĐH Kinh tế Quốc dân.

Bài viết sau đây bàn về một số nội dung trong quá trình triển khai quản trị theo mục tiêu tại Công ty Cổ phần Kosy.

1. Quan điểm về quản trị theo mục tiêu

Quản trị theo mục tiêu (Management By Objective – MBO) là khái niệm được Peter Drucker đưa ra vào thập niên 50 của thế ký XX. Đó là quản trị thông qua việc xác định mục tiêu cho từng nhân viên, sau đó so sánh và hướng hoạt động của họ vào việc thực hiện và đạt được các mục tiêu đã được thiết lập. Mục đích của MBO là gia tăng kết quả hoạt động của tổ chức bằng việc đạt được các mục tiêu của tổ chức thông qua các mục tiêu của nhân viên trong toàn bộ tổ chức.

Có hai phương pháp triển khai MBO. Phương pháp thứ nhất là triển khai từ trên xuống (từ cấp công ty tới bộ phận). Cách này nhanh về mặt thời gian nhưng lại không khuyến khích các bộ phận tham gia vào hoạch định mục tiêu công ty. Phương pháp thứ hai là triển khai từ dưới lên. Phương pháp này khuyến khích được các bộ phận tham gia nhưng lại chậm và có khi kết quả tổng hợp lại không phù hợp với mong muốn của lãnh đạo doanh nghiệp.

Lợi ích của MBO đối với doanh nghiệp thể hiện rất rõ ràng vì khuyến khích sự chủ động sáng tạo của cấp dưới trong quá trình hoạch định mục tiêu, thiết lập các tiêu chuẩn hoạt động thống nhất, đo lường hiệu quả công việc trong toàn doanh nghiệp… Đồng thời, MBO tạo điều kiện cho nhà quản trị cấp cao kiểm soát dễ dàng hơn doanh nghiệp.

Vào thập niên 90 của thế kỷ XX, Peter Drucker đã chỉ ra ý nghĩa bao quát cho phương pháp quản trị này “MBO chỉ là một công cụ khác, không thể chữa tất cả các bệnh quản trị kém hiệu quả… MBO chỉ vận hành được nếu bạn biết các mục tiêu cụ thể”. Điều đó cũng cho thấy trở ngại lớn khi áp dụng MBO là xác định các mục tiêu cụ thể bởi lẽ nhiều công việc rất khó lượng hóa và chi tiết hóa kết quả đầu ra. Hơn nữa, môi trường biến động có thể tạo ra những kẽ hở, lỗ hổng trong quá trình thực hiện MBO – thách thức sự bền vững của doanh nghiệp.

2. Vài nét về Công ty Cổ phần Kosy

Công ty Cổ phần Kosy là công ty kinh doanh đa ngành. Những ngành kinh doanh chủ yếu của Công ty là: Khai thác và chế biến khoáng sản, xây dựng, bất động sản, giáo dục và đào tạo. Công ty có chi nhánh ở nhiều tỉnh thành như: Hà Nội, Lào Cai, Cao Bằng… và là đối tác quan trọng của một số tập đoàn nước ngoài. Sứ mệnh của Công ty là vươn lên trở thành một tập đoàn kinh tế toàn cầu, hoạt động đa ngành, thỏa mãn mong đợi của cổ đông và đối tác.

Là Công ty “trẻ” trên thị trường nhưng  Công ty Cổ phần Kosy luôn nỗ lực vươn lên trở thành doanh nghiệp kinh doanh đa ngành có hiệu quả. Trong giai đoạn đầu mới thành lập, căn cứ trên năng lực cốt lõi Công ty Cổ phần Kosy chọn ngành kinh doanh chính là lĩnh vực giáo dục đào tạo. Công ty đã đầu tư và phát triển ngành này thành một ngành có lợi nhuận ổn định, lâu dài.

Sau đó, Công ty đã mở rộng sang ngành kinh doanh thứ hai là xây dựng và tiếp đó là ngành thứ ba là khai thác và chế biến khoáng sản, ngành thứ tư là kinh doanh bất động sản. Hiện tại Kosy kinh doanh trên bốn lĩnh vực rất tốt, tạo dựng một nền móng vững chắc cho một tương lai phát triển bền vững.

Thách thức đặt ra đối với Công ty trong giai đoạn tới là tiếp tục duy trì đà tăng trưởng và họat động có hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực họat động kinh doanh của Công ty. Trong bối cảnh đó, lãnh đạo cấp cao Công ty đã quyết định áp dụng phương pháp quản trị theo mục tiêu ở Công ty Cổ phần Kosy.

3. Định hướng áp dụng MBO tại Công ty CP Kosy

Hiện nay, Công ty Cổ phần Kosy đang định hướng áp dụng MBO tại doanh nghiệp. Để áp dụng tốt MBO, lãnh đạo Công ty đã quán triệt các nguyên tắc sau đây:

– Các mục tiêu và chỉ tiêu của doanh nghiệp phải được xác định theo thứ bậc, nhất quán theo cấp chiến lược và theo thời gian

– Xác định các mục tiêu cụ thể cho từng nhân viên

– Quá trình ra quyết định có sự tham gia của các nhân viên

– Xác định thời gian thực hiện rõ ràng

– Đánh giá kết quả thực hiện và cung cấp các thông tin phản hồi

Trên cơ sở đó, hệ thống mục tiêu của Công ty phải đảm bảo tính nhất quán, thứ bậc và đồng thuận. Từng mục tiêu đảm bảo theo nguyên tắc SMARTER.

– Specific: Cụ thể

– Measureable: Đo lường được

– Achievable: Khả thi

– Realistic: Thực tế

– Time: Thời gian thực hiện

– Engagement:  Liên kết

– Relevant: Là thích đáng

Theo đó, chu trình MBO của Công ty sẽ là vòng lặp khép kín như sau. Điều đáng lưu ý là để đảm bảo sự thành công của MBO cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa người quản lý và nhân viên. Bởi lẽ không có môi trường “lý tưởng” này thì hệ thống mục tiêu và quản trị theo mục tiêu chỉ là hệ thống cứng nhắc và không mang tính kết nối.

Trên đây là những định hướng cơ bản, tuy nhiên việc triển khai MBO tại Công ty Cổ phần Kosy còn nhiều việc phải làm. Sự thực hiện thành công MBO tại doanh nghiệp không chỉ phụ thuộc vào cam kết và nỗ lực của lãnh đạo cấp cao mà còn chịu ảnh hưởng sự tham gia của các cấp. Hiểu được điều đó, Công ty Cổ phần Kosy luôn hướng đến xây dựng văn hóa doanh nghiệp và đầu tư cho đội ngũ nhân sự.

Công ty Cổ phần Kosy đang trên đà phát triển và luôn hướng đến sự phát triển toàn diện và chuyên nghiệp. Việc áp dụng MBO tại doanh nghiệp là một phần trong những nỗ lực đó.

Tài liệu tham khảo

Peter F. Drucker “Tinh hoa quản trị của Drucker”, NXB Trẻ 2008

Peter F. Drucker  “The Practice  of  Management”, HarperBusiness 1986

Bài được đăng trên Tạp chí Kinh tế và Phát triển –  Trường ĐH KTQD, số 164 tháng 2/2011

Chia sẻ: