Kosy

Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Kosy nói về những tố chất và kỹ năng của một lãnh đạo

Ngày 21/01/2010

Lãnh đạo là một trong những khái niệm quan trọng nhất trong khoa học về tổ chức nhân sự. Cho đến nay, thuật ngữ này vẫn chưa được định nghĩa một cách thoả đáng do tính chất khó định hình và linh hoạt của nó. Tuy nhiên có thể định nghĩa chung như sau: Lãnh đạo là một quá trình gây ảnh hưởng đối với người khác để hiểu và nhất trí về những việc cần phải làm, cách thức thực hiện hiệu quả và quá trình hỗ trợ nỗ lực tập thể, cá nhân để hoàn thành các mục tiêu chung.

Người lãnh đạo được miêu tả với đặc trưng là người có mong muốn mạnh mẽ được gánh vác trách nhiệm, hoàn thành nhiệm vụ và kiên trì trong việc thực hiện mục tiêu, quyết đoán và sáng tạo trong giải quyết vấn đề, chủ động trong các tình huống, tự tin, mong muốn tự khẳng định mình, sẫn sàng chấp nhận hậu quả của quyết định và hành động của mình, sẵn sàng chịu áp lực trong các mối quan hệ, sẵn sàng chịu đựng sự thất bại và chậm chễ, khả năng gây ảnh hưởng đối với hành vi của người khác, năng lực xây dựng hệ thống giao tiếp xã hội…

Người lãnh đạo cần phải có những tố chất và kỹ năng quan trọng sau:

Tham vọng: Một lãnh đạo lý tưởng phải là người có tham vọng lớn, có một mục tiêu lớn, cụ thể rõ ràng. Người lãnh đạo phải có động lực làm lãnh đạo thì mới có thể trở thành người lãnh đại thực thụ. Đây là tố chất quan trọng, có thể quyết định 50% vào sự thành đạt của một lãnh đạo. Thực tế cũng chỉ ra rằng, phần lớn những doanh nhân thành đạt, hay những chính trị gia xuất sắc, họ đều có lòng đam mê được trở thành một người thành đạt. Đây không phải là sự đam mê bình thường mà nó là lòng đam mê mạnh mẽ, tha thiết đến mức biến thành ý nghĩ dai dẳng thường trực, đẩy con người đến chỗ suy nghĩ các biện pháp, sau nữa là quyết tâm thực hiện, không nề gian khó, không sợ thất bại và cuối cùng  nhất định dẫn họ đến thành công.

– Nhạy cảm: Ngoài ra người lãnh đạo rất cần tố chất bẩm sinh về chỉ số thông minh EQ, hay còn gọi là thông minh cảm xúc. Lãnh đạo phải thích ứng với tình hình, tỉnh táo trong môi trường xã hội và luôn cần có cảm nhận về thái độ, tình cảm, buồn vui, mong muốn của người xung quanh mình.

– Niềm tin: Niềm tin cũng là một trong những tố chất quan trọng của người lãnh đạo, nó chính là chất xúc tác, là động lực tạo nên mọi sức mạnh, mọi năng lực. Mọi ý tưởng khi tác động vào thế giới tình cảm sẽ biến thành niềm tin, các ý tưởng đó dần dần sẽ biến thành hành động cụ thể. Niềm tin có thể trở thành ý chí mãnh liệt, người nào không tự tin vào bản thân, rất dễ dẫn đến thất bại. Một lãnh đạo lý tưởng phải có niềm tin. Những người tự tin cao thường cố gắng gánh các những công việc khó khăn và đề ra các mục tiêu mang nhiều thách thức. Người lãnh đạo nào có kỳ vọng cao đối với chính mình thường có kỳ vọng cao đối với nhân viên dưới mình quản lý. Những người lãnh đạo này thường kiên trì hơn trong việc thực hiện mục tiêu khó khăn. Điều đó làm tăng quyết tâm và cam kết của cấp dưới đồng sự và cấp trên để hỗ trợ cho nỗ lực đó.

– Chính trực: Là điều công chúng  mong đợi. Sự chính trực này làm cho công chúng tin tưởng, đây là một điều quan trong để họ quyết định có đi theo lãnh đạo hay không. Chính trực thể hiện ở chỗ lời nói đi đôi với việc làm và kết hợp với những phẩm giá bên trong. Một lãnh đạo chính trực có thể dành được lòng tin của mọi người và sẽ được ngưỡng mộ vì sự đồng nhất của những giá trị cốt lõi bên trong. Những phẩm chất này có thể coi như một hình mẫu tiêu biểu để mọi người noi theo, cũng như giúp cho toàn bộ tổ chức, doanh  nghiệp xây dựng những giá trị văn hoá hữu hiệu và có sức mạnh lớn lao.

– Óc tưởng tượng: Được ví như là nhà máy sản xuất ra các kế hoạch hành động và các mong ước của con người. Con người có thể tạo ta mọi thứ nhờ óc tưởng tượng. Các nhà doanh nghiệp tầm cỡ, các nghệ sĩ, nhạc sĩ, hoạ sĩ… đều có óc tưởng tượng phát triển. Bất cứ một lãnh đạo nào muốn đưa tổ chức của mình hoạt động phát tiển lớn mạnh, nhanh, bền vững đều phải có óc tưởng tượng phát triển mạnh.

– Kỹ năng nhận thức: Là khả năng đánh giá sáng suốt, có tầm nhìn xa, có khả năng trực giác và khả năng hiểu được các ý nghĩ và trật tự trong các dữ liệu mập mờ, không chắc chắn, điều này cần thiết trong việc lập kế hoạch, tổ chức và giải quyết các vấn đề.

– Kỹ năng giao tiếp: Bao gồm kiến thức về hành vi của con người, khả năng hiểu cảm xúc, thái độ và động cơ của người khác, khả năng truyền đạt rõ ràng và thuyết phục. Một lãnh đạo của một tổ chức thường xuyên phải giao tiếp với những người xung quanh  như đàm phán với các đối tác, chỉ đạo cấp dưới làm việc. Để thành công, lãnh đạo phải hiểu hành vi, hiểu cảm xúc và thái độ, động cơ của họ. Như vậy, năng lực giao tiếp vô cùng quan trọng không chỉ cần cho một người lãnh đạo, mà rất cần cho tất cả mọi người, nhưng không phải ai sinh ra cũng có sẵn kỹ năng này, phần lớn là do bẩm sinh, học tập và rèn luyện mà thành.

Trên đây là một số tố chất và kỹ năng quan trọng mà một lãnh đạo lý tưởng cần phải có, ngoài ra một người lãnh đạo cần phải có thêm những tố chất và kỹ năng như: Kiên trì, ổn định vững vàng tâm lý, hiểu biết xã hội, kỹ năng quản lý, uỷ thác và kỹ năng trình bày.

Bài được đăng trên Tạp chí Công nghiệp số 31+32, tháng 1+2 năm 2010

Chia sẻ: