Năng lực vận hành các nhà máy điện của Kosy Group
Trong 2 năm liên tiếp 2021 và 2022, Tập đoàn Kosy liên tục đưa 2 nhà máy năng lượng tái tạo trọng điểm là nhà máy Điện gió Kosy Bạc Liêu giai đoạn 1 – 40,5MW và nhà máy Thủy điện Nậm Pạc – 34 MW đi vào hoạt động, hòa lưới điện quốc gia, mang lại nguồn thu ổn định cho Tập đoàn. Từ việc khẳng định năng lực triển khai thi công của Kosy, đến nay, sau gần nửa năm hoạt động, công tác vận hành và bảo trì được tập trung hoàn thiện để tiếp tục khẳng định năng lực quản lý vận hành và bảo trì mảng năng lượng tái tạo của Tập đoàn.
Đánh giá chung về tình hình vận hành hiện tại của 2 nhà máy điện gió và thủy điện của Tập đoàn Kosy, ông Nguyễn Đức Doanh – Phó TGĐ phụ trách vận hành các nhà máy điện chia sẻ: “Sau một thời gian ngắn đi vào hoạt động, công tác vận hành của 2 nhà máy đến nay đều được triển khai chuẩn chỉ và suôn sẻ. Toàn bộ nhân sự đảm nhiệm công tác vận hành đều được đào tạo theo chuẩn của EVN. Công tác đào tạo kỹ thuật liên tục được thực hiện nhằm nâng cao tay nghề cũng như giảm thiểu tối đa những rủi ro, đảm bảo an toàn, hiệu quả trong quá trình vận hành”.
Sau khi chính thức hòa lưới điện quốc gia, nhà máy Điện gió Kosy Bạc Liêu đang mang lại doanh thu dự kiến 200 tỷ/năm, nhà máy Thủy điện Nậm Pạc là 160 tỷ/năm cho Tập đoàn Kosy. Đây là nguồn thu vô cùng quan trọng, giúp cân đối nguồn tài chính thường xuyên liên tục, bền vững để Tập đoàn tự tin triển khai những dự án quy mô hơn, hiệu quả hơn trong thời gian tới.
Nhà máy Điện gió Kosy Bạc Liêu: Tập trung đào tạo chuyển giao kỹ thuật vận hành
Vận hành một nhà máy điện gió có rất nhiều công đoạn phức tạp, đòi hỏi sự tập trung, chính xác cao độ. Khi nhận bàn giao ca vận hành, nhân sự vận hành phải tiến hành kiểm tra tất cả thiết bị trong nhà máy như: phòng điều khiển, phòng rơ le bảo vệ, phòng 22 kV, phòng ắc quy, hệ thống chữa cháy, thiết bị sân trạm 220 kV như máy biến áp, máy cắt, dao cách ly, TU, TI, tủ MK, tiếp địa… Cùng với đó, kỹ sư vận hành cần phải nắm rõ tình trạng vận hành của tuabin, các thiết bị trạm biến áp, chế độ dự phòng và sơ đồ kết dây để đảm bảo quy trình vận hành được diễn ra suôn sẻ, nhịp nhàng. Hiện tại, đối tác Goldwind vẫn đang hỗ trợ triển khai công tác vận hành tuabin của nhà máy cùng với đội ngũ công nhân, kỹ sư của Công ty CP Điện gió Kosy Bạc Liêu. Đây là cách nhanh nhất để chuyển giao kinh nghiệm, kiến thức vận hành từ đối tác tới nhân sự của nhà máy. Các phát sinh trong quá trình vận hành cũng được đối tác hướng dẫn, đào tạo liên tục. “Mục tiêu trong thời gian sớm nhất, nhân sự nhà máy có thể đảm nhiệm các hạng mục công việc của Goldwind”, ông Nguyễn Đức Doanh khẳng định. Các chứng chỉ, thiết bị vận hành, bảo trì nhà máy cũng được BQL nhà máy liên tục cập nhật, bổ sung để đạt được sự chủ động tốt nhất.
Tại nhà máy Điện gió Kosy Bạc Liêu, ca trực của các công nhân, kỹ sư vận hành kéo dài từ 6h đến 14h, 14h đến 22h và 22h đến 6h sáng hôm sau. Trong ca trực, người vận hành phải thực hiện việc kiểm tra thiết bị, ghi chép thông số vận hành, nhật ký vận hành theo đúng quy trình vận hành thiết bị đã được phê duyệt, thực hiện biểu đồ điện áp, thực hiện các lệnh điều độ của A0, A2 thông qua hệ thống DIM, hotline, thực hiện công tác báo cáo theo đúng thông tư, quy định, quy trình đã ban hành, duyệt và cấp phiếu công tác cho đội công tác vào làm việc, làm các biện pháp an toàn, đặt rào chăn, treo biển cánh báo khu vực làm việc. “Dù trời nắng hay mưa, bọn anh cũng đi đúng giờ. Trong ngành điện, bất kỳ vị trí nào cũng mang trong mình trách nhiệm lớn khi đang vận hành một nhà máy lớn, luôn sẵn sàng mọi lúc, mọi tình huống xảy ra trong ca trực. Bản thân mỗi người cũng luôn tự học tập quy trình, quy phạm, đọc bản vẽ, tìm hiểu thiết bị nâng cao tay nghề”, anh Lâm Hoàng Diễn – Tổ phó/Trưởng ca vận hành nhà máy điện gió Kosy Bạc Liêu chia sẻ.
Trực tiếp tham gia công tác vận hành nhà máy, anh Diễn không giấu nổi niềm tự hào: “Là một trong những người tham gia trực tiếp vào khâu vận hành nhà máy sau khi chính thức phát điện, đây là niềm vinh dự và tự hào cho cá nhân tôi. Công việc này đòi hỏi tính chính xác, tỉ mẩn dù là những thứ lặp đi lặp lại hàng ngày. Nhưng với tôi, khi nhìn vào dòng điện chảy về khi tuabin gió quay, lại thêm thật nhiều cảm xúc và động lực để gắn bó với công việc này”. Tổng nhân sự nhà máy Điện gió Kosy Bạc Liêu hiện có 15 người, 9 người đảm nhiệm công việc vận hành toàn bộ nhà máy, trong đó chủ yếu là nhân sự được Tập đoàn Kosy tuyển dụng ưu tiên người dân địa phương tỉnh Bạc Liêu.
Công tác vận hành, bảo dưỡng có ý nghĩa vô cùng quan trọng với nhà máy điện gió, là nền tảng đảm bảo hệ thống vận hành liên tục đạt hiệu suất cao, hạn chế tối đa các rủi ro có thể xảy ra trong quá trình vận hành (nhất là các rủi ro có thể dẫn đến mất an toàn cho con người và thiết bị, đồng thời giúp tăng tuổi thọ cho các thiết bị như tuabin, thiết bị đóng cắt, máy biến áp, đường dây truyền tải của hệ thống điện lưới quốc gia.
Nhà máy Thủy điện Nậm Pạc: Khắc phục khó khăn đảm bảo vận hành an toàn
Trong lĩnh vực thủy điện, công tác vận hành nhà máy là quá trình vận hành các hệ thống sản xuất điện năng cụ thể là các thiết bị điện, thiết bị cơ khí thuỷ công và hệ thống thiết bị phụ trong nhà máy thuỷ điện. Cùng với đó là công tác kiểm tra, giám sát tình trạng làm việc và điều chỉnh các thông số vận hành của hệ thống đó, kịp thời xử lý các sự cố trong nhà máy thuỷ điện nhằm bảo đảm đúng quy trình an toàn, tối ưu hiệu quả.
Nhà máy Thủy Điện Nậm Pạc nằm tại địa hình phân cắt – dốc đứng nên khi có mưa lũ về, cát đá đất bùn từ thượng lưu theo nước về nhiều gây nhiều khó khăn cho công tác vận hành. Cùng với đó, các vị trí đập đến nhà máy cách xa nhau từ 4 km đến 10 km trong khi đường giao thông khó khăn, đường chủ yếu là đường liên bản, nội bộ dự án – cứ mưa lớn là sạt lở. Ban quản lý nhà máy, đặc biệt là đội ngũ vận hành đều phải nỗ lực hết mình, khắc phục khó khăn để đảm bảo quy trình vận hành của nhà máy được diễn ra nhịp nhàng, an toàn, đúng như kế hoạch.
Nhân sự của nhà máy hiện có khoảng 42 người, trong đó có 28 nhân viên vận hành. Các nhân sự này được Tập đoàn Kosy tuyển dụng và đào tạo với phương châm ưu tiên sử dụng người địa phương, chủ yếu là người Lai Châu chiếm 80%, sẽ gắn bó lâu dài với nhà máy. Khi được hỏi về những tố chất của người làm vận hành, anh Vũ Kim Hàm – Trưởng Ban quản lý nhà máy Thủy điện Nậm Pạc nói: “Công việc vận hành không chỉ yêu cầu người làm vận hành tuyệt đối tuân thủ các quy trình, quy phạm, quy chuẩn trong vận hành mà còn cần sự linh hoạt xử lý khi có sự cố xảy ra. Người làm vận hành vì thế không chỉ cần có kỹ năng chuyên môn vững mà còn phải có thêm sự đam mê và nhiệt huyết để liên tục cầu thị, học hỏi, nâng cao kỹ năng xử lý”
Mỗi ngày tại nhà máy Thủy điện Nậm Pạc chia 3 ca trực vận hành, bắt đầu mỗi ca từ 7h sáng, 15h chiều, và ca cuối là từ 23 giờ đêm. “Niềm vui, hạnh phúc của bọn anh đơn giản lắm. Chỉ cần máy móc hay thiết bị vận hành trơn tru là vui rồi. Nếu có hỏng hóc mà bắt được bệnh là anh em òa lên vui sướng. Hay đơn giản là hồ hết nước mà cơn mưa kéo đến, gió giật ầm ầm (dự sẽ mưa to) nhưng cuối cùng không mưa, anh em lại quay sang nhìn nhau cười xòa vui vẻ. Thế đó em!”, anh Hàm chia sẻ thêm.
Những người vận hành nhà máy điện – chúng tôi ví họ là những kỹ sư thầm lặng, canh ánh sao đêm, đón ánh bình minh để dòng điện vẫn tuôn chảy ngày đêm từ nhà máy về lưới điện quốc gia, thắp sáng những ngôi nhà, khởi động các nhà máy đóng góp vào sự nghiệp phát triển chung của đất nước.
Kế hoạch trong thời gian sắp tới, Phó TGĐ Nguyễn Đức Doanh nói: “Công tác sửa chữa nhỏ sẽ được tập trung đào tạo cho công nhân vận hành. Ngoài ra, một trung tâm điều khiển từ xa tại Hà Nội sẽ sớm được xây dựng để tăng cường khả năng điều hành, giám sát của chủ đầu tư”. Song song với đó là việc đào tạo, tuyển mới nhân sự vận hành các dự án mới như Thủy điện Mường Tùng, Pa Vây Sử. Nhân sự đóng một vai trò quyết định trong toàn bộ quá trình vận hành, bảo trì các nhà máy điện. Đó là lý do vì sao Tập đoàn Kosy và Ban quản lý các nhà máy luôn đề cao việc tuyển dụng và đào tạo nhân lực. Đây chính là chìa khóa để hoạt động vận hành được đảm bảo trơn tru, an toàn, đạt hiệu quả cao, qua đó khẳng định năng lực của Tập đoàn Kosy trong việc đầu tư phát triển nguồn năng lượng tái tạo của đất nước.