Kosy

Tập đoàn Kosy tham dự Hội nghị gặp mặt doanh nghiệp, nhà đầu tư lần thứ nhất năm 2023 tại Điện Biên

Ngày 02/08/2023

Ngày 31/3/2023, Tập đoàn Kosy đã tham dự Hội nghị gặp mặt doanh nghiệp, nhà đầu tư lần thứ nhất năm 2023 do Tỉnh ủy – HĐND – UBND tỉnh Điện Biên tổ chức.

Hội nghị được tổ chức với mục tiêu đánh giá tổng thể tình hình, kết quả triển khai thực hiện các chương trình, dự án có sử dụng vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế ngoài nhà nước, làm rõ hơn các khó khăn, tồn tại, vướng mắc và nguyên nhân; trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước tại địa phương trong việc đồng hành cùng doanh nghiệp, nhà đầu tư tháo gỡ các khó khăn vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai; xem xét, đánh giá mức độ, khả năng tập trung nguồn lực, tâm huyết, trách nhiệm của các doanh nghiệp, nhà đầu tư đối với việc thực hiện những nội dung đã cam kết với tỉnh.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Điện Biên, năm 2022, tỉnh đã quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư và thực hiện cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 17 dự án về thủy điện, thương mại – dịch vụ, nông – lâm nghiệp, xây dựng khu dân cư với tổng số vốn đăng ký đầu tư 8.405,5 tỷ đồng, tăng 24% so với năm trước (năm 2021 là 19 dự án với tổng vốn đăng ký là 6.759,7 tỷ đồng). Luỹ kế có 195 dự án được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và quyết định chủ trương đầu tư với tổng số vốn đăng ký là 43.159,44 tỷ đồng. Trong đó, có 118 dự án hoàn thành đi vào hoạt động với tổng vốn đăng ký 12.288,08 tỷ đồng; 77 dự án đang thực hiện đầu tư với tổng số vốn giải ngân là 3.847 tỷ đồng/30.871,36 tỷ đồng (bằng 12,5% số vốn đăng ký).

Trong năm 2022, toàn tỉnh có 110 doanh nghiệp thành lập mới, với tổng số vốn đăng ký 1.500 tỷ đồng; có 72 chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh đăng ký (thông báo) hoạt động trên địa bàn tỉnh. Lũy kế đến hết năm 2022 tỉnh Điện Biên có 1.340 doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký trên 30.000 tỷ đồng và 565 chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của các doanh nghiệp đăng ký hoạt động tại địa phương.

Kinh tế tập thể và hộ kinh doanh tiếp tục được khuyến khích phát triển, trong năm 2022 thành lập mới 37 hợp tác xã, đạt 168% so với kế hoạch, tổng số vốn điều lệ 94,57 tỷ đồng; có 19 HTX giải thể. Toàn tỉnh hiện có 283 HTX với 9.491 thành viên, tổng số vốn điều lệ là 789 tỷ đồng. Năm 2022 có 1.234 hộ kinh doanh đăng ký mới với tổng số vốn 175 tỷ đồng. Lũy kế toàn tỉnh có 18.986 hộ kinh doanh với tổng số vốn đăng ký là 1.373 tỷ đồng.

Ông Lê Thành Đô, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên cho biết: Để khơi dậy tiềm năng, lợi thế, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh, trong thời gian vừa qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách với nhiều nhóm giải pháp cụ thể, thiết thực để nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động, quản lý điều hàng, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tập trung huy động nguồn lực, xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội làm động lực cho phát triển; đồng thời huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, người dân và cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tham gia đóng góp sự nghiệp phát triển của tỉnh. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, nhiều dự án triển khai chậm so với yêu cầu đặt ra, một số dự án có hiện tượng chững lại, triển khai một cách cầm chừng, chờ đợi diễn biến của thị trường.

Ông Lê Thành Đô, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên phát biểu tại Hội nghị

Chính vì vậy, Hội nghị lần này được tổ chức với mục tiêu đánh giá tổng thể tình hình, kết quả triển khai thực hiện các chương trình, dự án có sử dụng vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế ngoài nhà nước, làm rõ hơn các khó khăn, tồn tại, vướng mắc và nguyên nhân; trách nhiệm của các cơ quan nhà nước tại địa phương trong việc đồng hành cùng doanh nghiệp, nhà đầu tư tháo gỡ các khó khăn vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai; xem xét, đánh giá mức độ, khả năng tập trung nguồn lực, tâm huyết, trách nhiệm của các doanh nghiệp, nhà đầu tư.”

Bên cạnh đó, UBND tỉnh đồng hành cùng doanh nghiệp báo cáo Bộ Công thương sớm phê duyệt bổ sung 03 dự án CME Điện Biên vào Quy hoạch và Kế hoạch triển khai thực hiện các dự án sinh khối.

Là một doanh nghiệp đầu tư, gắn bó lâu năm và có những đóng góp nổi bật trong công tác an sinh xã hội nổi bật cho tỉnh Điện Biên, đại diện Tập đoàn Kosy đã có những ý kiến đóng góp thiết thực tại Hội nghị.

“Trong quá trình đầu tư xây dựng các nhà máy thủy điện trên địa bàn tỉnh hiện nay, chúng tôi đang gặp một số vấn đề vướng mắc và có một số kiến nghị cụ thể:

Thứ nhất, đường dây truyền tải 220Kv từ Điện Biên – Sơn La: Khả năng truyền tải điện về dưới xuôi hiện nay đã quá tải không đủ khả năng truyền tải hết công suất các nguồn điện đi vào vận hành trong thời gian tơi. Đề nghị các cấp lãnh đạo tỉnh kiến nghị với Tập đoàn điện lực VN (EVN) thúc đẩy Tổng công ty truyền tải đầu tư khẩn trương tuyến đường dây này.

Thứ hai, Trạm 110kv Nậm Pồ và Tuyến đường dây mạch kép từ Nậm Pồ về ngăn lộ 110kv tại trạm 500kv thủy điện Lai Châu. Khi tuyến đường dây này chưa được đầu tư, khoảng 180MW thủy điện tại huyện Nậm Pồ và Mường Nhé và huyện Mường Tè của tỉnh Lai Châu không thể đầu tư được. Nếu để các doanh nghiệp thủy điện đầu tư thì chi phí rất lớn, dẫn đến các dự án kém hiệu quả (khả năng thu hồi vốn đầu tư kéo dài). Vì vậy, kiến nghị tỉnh đề xuất với EVN giao cho Tổng công ty điện lực Miền Bắc thực hiện đầu tư tuyến đường dây và Trạm này” – Ông Hà Sỹ Dinh, Phó Tổng giám đốc phụ trách thủy điện của Tập Đoàn KOSY chia sẻ.

Kết thúc buổi gặp mặt, ông Lê Thành Đô nhấn mạnh, những kiến nghị của các nhà đầu tư liên quan đến tháo gỡ vướng mắc về thủ tục đất đai, cơ chế thực hiện các dự án, đấu giá đất, đấu thầu dự án, xây dựng đường dây tải điện… sẽ được Văn phòng UBND tỉnh phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương phối hợp xử lý triệt để trong thời gian tới.

Chia sẻ: