Kosy

Nới lỏng điều kiện huy động vốn từ khách hàng

Ngày 21/05/2018

Phát biểu tại Diễn đàn “Bất động sản 2018: Cơ hội từ chính sách” diễn ra mới đây, ông Cấn Văn Lực – Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách Tài chính – Tiền tệ Quốc gia khẳng định hệ thống cơ chế, chính sách, thị trường về thuế, phí, nguồn vốn, sản phẩm phát sinh tài chính… là những yếu tố cần thiết để thị trường bất động sản phát triển lành mạnh.

Với chủ đề “Thị trường Bất động sản 2018: Cơ hội từ chính sách” – “Diễn đàn Bất động sản Việt Nam 2018” đã thu hút sự quan tâm lớn của giới chuyên gia và các doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực BĐS.

Nguồn vốn khá eo hẹp

Tuy nhiên, ông Lực nhận định trong 6 nguồn vốn chính cho bất động sản là: Vốn nhà nước, vốn ngoại, nguồn vốn tín dụng bảo lãnh và nguồn vốn tư nhân (vốn tự có, vốn góp) thì nguồn vốn nhà nước được ông Lực nhận định là khá eo hẹp.

Bằng chứng là năm 2018, Chính phủ có kế hoạch giải ngân 1.000 tỷ đồng đối với  chương trình cho người thu nhập thấp vay ưu đãi mua nhà ở xã hội. Trong đó vốn nhà nước cấp là 500 tỷ đồng, Ngân hàng Chính sách Xã hội tự huy động 500 tỷ đồng. Với nguồn vốn như vậy, chỉ cần một số dự án với quy mô lớn đã đã hết nguồn vốn này.

Theo ông Lực, những tồn tại hạn chế trong tài chính bất động sản, Quỹ tiết kiệm nhà ở không phát triển được chủ yếu do thiếu vốn mồi, cơ chế, cách làm chưa phù hợp với thị trường. Ngoài ra, hệ thống các định chế tài chính chưa đa dạng hoặc chưa phát triển các quỹ tín thác đầu tư hay cơ quan cho vay thế chấp nhà ở cũng là những rào cản cho thị trường tài chính. Vì vậy ông kiến nghị “cần thiết phải có một quỹ tiết kiệm nhà ở chung giống như các nước như Thái Lan, Singapore đã làm thành công”.

Doanh nghiệp tự chủ vốn

Thị trường bất động sản trong nước đã trải qua 10 năm từ khủng hoảng đi lên, dần dần phục hồi và phát triển nhưng lại vướng mắc bởi những rào cản từ chính sách.

Trả lời cho chủ đề hướng đi của doanh nghiệp, ông Nguyễn Thế Điệp – Chủ tịch HĐQT CTCP Reenco Sông Hồng cho rằng nhà nước ra cơ chế chính sách bền vững, vĩ mô, còn doanh nghiệp cần chiến lược dài hơi một chút.

“Xu thế căn hộ nhỏ, gia đình nhỏ nếu như chính sách chúng ta vẫn duyệt các dự án như hiện nay là 70% là diện tích lớn, 30% là diện tích nhỏ thì đi ngược lại với xu thế. Nên chính sách chúng ta cần nghiên cứu đưa ra chính phù hợp, cả các doanh nghiệp cũng thế” – ông Điệp cho biết.

Cũng trong phiên tọa đàm, ông Nguyễn Việt Cường – Chủ tịch KOSY Group đã nêu ra một số giải pháp cho doanh nghiệp đó chọn phân khúc thị trường phù hợp với chiến lược và thế mạnh của doanh nghiệp. Chẳng hạn, thay vì theo đuổi phân khúc cao cấp đang dư thừa nguồn cung và cạnh tranh gay gắt với các doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp có thể tìm kiếm lợi nhuận ở phân khúc trung bình khá, đáp ứng nhu cầu thực và được chính phủ khuyến khích, tạo nhiều ưu đãi.

Tiến sĩ Nguyễn Việt Cường – Chủ tịch Tập đoàn Kosy (ngoài cùng bên phải) tham gia thảo luận trực tiếp tại diễn đàn.

Đồng thời, không quên chuyên nghiệp hóa công tác bán hàng, tạo dòng tiền: Hoạch định các chiến lược kinh doanh và truyền thông bài bản với các chính sách hấp dẫn, kích thích khách hàng nhằm thanh khoản tốt, giảm thiểu tối đa hàng tồn kho và thu hồi vốn nhanh.

Và hơn hết để có thể nâng cao năng lực vốn, doanh nghiệp có thể tăng vốn điều lệ để nâng tầm quy mô và tiềm năng phát triển, huy động vốn ứng trước từ khách hàng, phát hành trái phiếu, huy động vốn trên thị trường chứng khoán, hợp tác liên doanh, liên kết, chuyển nhượng.

Bên cạnh đó, ông cũng mong muốn nhà nước nới lỏng điều kiện huy động vốn trước từ khách hàng, cho phép doanh nghiệp được ứng vốn sớm hơn, đồng thời đặt ra những quy định, điều kiện ràng buộc cần thiết để kiểm soát hoạt động của doanh nghiệp, đảm bảo sử dụng nguồn vốn ứng trước đúng mực đích và cam kết bảo vệ quyền lợi của khách hàng.

Đối với nhà chung cư, toà nhà hỗn hợp, doanh nghiệp được huy động vốn ứng trước từ khách hàng có phân chia sản phẩm là từ khi dự án đã hoàn thành nghiệm thu phần móng (cái này đã quy định tại điều 55 Luật Kinh doanh Bất động sản sửa đổi năm 2014 là phù hợp).

Còn đối với loại bất động sản như đất nền thì kiến nghị doanh nghiệp được huy động từ khách hàng có phân chia sản phẩm từ sau khi doanh nghiệp đã giải phóng mặt bằng, đã có quyết định giao đất và khởi công dự án. Còn đối với loại bất động sản xây nhà thô, thấp tầng, doanh nghiệp được huy động vốn từ khách hàng sau khi doanh nghiệp đã giải phóng, san tạo xong mặt bằng theo giai đoạn dự án.

“Chung quy lại, ngoài việc mong muốn nhà nước có thể thay đổi chính sách, tạo điều kiện trong việc huy động vốn thì việc cần thiết không kém đó là doanh nghiệp hoạt động một cách lành mạnh, uy tín, tạo được niềm tin từ khách hàng bởi chính khách hàng là chủ thể quyết định sự phát triển của thị trường” – ông Cường khẳng định.

– Theo Báo Diễn đàn doanh nghiệp – 

Chia sẻ: