Kosy Group: Con đường trở thành doanh nghiệp đa ngành với các dự án nghìn tỷ
Phổi cảnh dự án Lào Cai.
Thành lập từ năm 2008, sau hơn 11 năm, Kosy nhanh chóng chuyển đổi mô hình thành công ty đại chúng với số vốn điều lệ tăng lên cả nghìn tỷ đồng và sở hữu quỹ đất dự án bất động sản cùng các dự án năng lượng tái tạo tiềm năng.
Sau khi lên sàn HoSE (Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM) vào tháng 7 vừa qua, Công ty Cổ phần Kosy (mã KOS) nhanh chóng thu hút sự chú ý đặc biệt của giới đầu tư với loạt dự án trải dài tại nhiều tỉnh thành trong cả nước cùng tham vọng trở thành doanh nghiệp lọt top 200 lớn nhất Việt Nam với các lĩnh vực chủ chốt là bất động sản và năng lượng tái tạo.
Những con số ấn tượng
Việc chuyển sàn niêm yết có quy mô lớn như HOSE là bước chuyển mình mạnh mẽ để doanh nghiệp nâng cao uy tín, minh bạch thông tin, tiếp cận nhiều nguồn vốn đầu tư mới.
Thành lập từ năm 2008, sau hơn 10 năm, Kosy có xu hướng chuyển đổi mô hình từ doanh nghiệp gia đình thành công ty đại chúng với vốn điều lệ tăng lên nhanh chóng. Theo Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh được cấp lần đầu năm 2008, Kosy có vốn điều lệ 150 tỷ đồng.
Chuyển hướng sang lĩnh vực kinh doanh bất động sản từ năm 2011 và đến năm 2016, Công ty này bắt đầu công bố kế hoạch phát triển hàng loạt dự án tại nhiều tỉnh, thành ở Việt Nam trên cả ba miền: Bắc, Trung, Nam. Hiện Kosy đã và đang làm chủ đầu tư thực hiện một số dự án lớn như: Khu đô thị Kosy Lào Cai (Khu đô thị Kosy Mountain View), thành phố Lào Cai; Khu đô thị Kosy Bắc Giang thành phố Bắc Giang; Khu đô thị Kosy – Gia Sàng, Khu đô thị Kosy Sông Công, Khu đô thị Kosy Gia Sàng, tỉnh Thái Nguyên….
Trong 2 năm sau đó, Kosy liên tục tăng vốn lên 415 tỷ đồng vào năm 2017 và 1.037,5 tỷ đồng vào năm 2018 nhằm phục vụ hoạt động đầu tư kinh doanh các dự án bất động sản đang triển khai kể trên.
Và để làm được điều này, theo chia sẻ của vị lãnh đạo Tập đoàn này, Kosy vẫn trung thành với nguyên tắc chủ động về tài chính, ít sử dụng đòn bẩy tài chính. Kosy xây dựng các kế hoạch huy động vốn khác như như tăng vốn điều lệ để giảm thiểu rủi ro.
Vốn chủ sở hữu của Kosy hiện nay đã đạt trên 1.000 tỷ đồng, đảm bảo kiện toàn cơ cấu nguồn vốn, đồng thời giúp việc triển khai các dự án không bị rủi ro trong dài hạn. Ngoài ra, Kosy là một trong số ít doanh nghiệp địa ốc mà “Tỷ lệ nợ/Vốn chủ sở hữu” chỉ ở mức 0,56 trong khi “Hệ số thanh toán ngắn hạn” đạt tới hơn 3 lần.
Dòng tiền tương lai: Thu về hàng ngàn tỷ
Bất động sản là mảng kinh doanh chiến lược, song do bất động sản thường được ghi nhận doanh số vào cuối chu kỳ của dự án, nên doanh thu của Kosy vẫn khá khiêm tốn. Doanh nghiệp này lý giải, dự kiến, trong giai đoạn 2020 – 2021 khi các dự án bất động sản của Kosy đi vào hoàn thiện và bàn giao sẽ mang lại doanh thu tương đối lớn.
Theo kế hoạch, đến cuối giai đoạn 2019-2020 thi công xong toàn bộ hạ tầng của 5 dự án và hoàn thiện một phần xây thô của dự án Kosy Lào Cai (Khu đô thị Kosy Mountain View), doanh nghiệp này sẽ đẩy mạnh bán hàng theo kế hoạch để có mức doanh thu và lợi nhuận kỳ vọng cao gấp nhiều lần so với cùng kỳ năm 2018-2019.
Được biết, sau khi hoàn thành 5 dự án bất động sản đang triển khai, doanh nghiệp này sẽ thu về gần 4.000 tỷ đồng, trong đó, chiếm tỷ trọng cao nhất là Kosy Lào Cai (Kosy Mountain View) tiếp đến lần lượt là dự án Kosy Sông Công, Kosy Bắc Giang, Kosy Gia Sàng và Kosy Cầu Gồ.
Ngoài dự án đang triển khai, Kosy cũng có tham vọng nhanh chóng khởi công các dự án mới để có nguồn doanh thu kế tục, duy trì các chỉ tiêu tài chính ở mức tốt để đạt mục tiêu phát triển bền vững của doanh nghiệp này.
Tham vọng với chuỗi dự án tỷ USD
Ngoài 5 dự án khu đô thị mới với tổng mức đầu tư hàng nghìn tỷ đồng thuộc phân khúc trung bình khá đang triển khai tại các tỉnh thành phố phía Bắc (ngoài Hà Nội), Tập đoàn Kosy mới đây cũng tiết lộ về kế hoạch chuẩn bị công tác đầu tư mới nhiều dự án khác ở một số tỉnh miền Bắc, Trung và Nam như Hà Nội, Nghệ An, Thanh Hóa, Ninh Bình, Hưng Yên, Phú Thọ, Vĩnh Phúc … với tổng mức đầu tư vài nghìn tỷ đồng.
Theo chiến lược dài hạn, sau 5-7 năm tới, Tập đoàn Kosy sẽ duy trì những dự án thuộc phân khúc trung bình khá song song với việc triển khai những dự án quy mô lớn hơn và thuộc phân khúc cao cấp.
Theo ông Nguyễn Tiến Hoàn, Phó tổng giám đốc phụ trách Đầu tư của Tập đoàn Kosy, chu kỳ triển khai của mỗi dự án bất động sản không dài, chỉ tính bằng vài năm. Do đó, nếu không có sự chuẩn bị dự án kế tục từ bây giờ, thì hàng trăm nhân sự có chuyên môn cao và kinh nghiệm vững trong công tác triển khai dự án bất động sản sẽ không có công ăn việc làm, công ty không có quỹ sản phẩm mới, không tạo ra doanh số…
“Thêm nữa, với mong muốn phát triển Kosy thành doanh nghiệp lớn mạnh, đóng góp vào sự phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương, qua đó góp phần phát triển đất nước, chúng tôi đặt ra cho mình những mục tiêu thách thức, những dự án mới cần phải chinh phục và quyết tâm đẩy nhanh tiến độ từng bước trên cơ sở làm chuẩn chỉ, đúng quy định của pháp luật”, ông Hoàn nói.
Đại diện Kosy nhấn mạnh, tất cả các khu đô thị do Tập đoàn Kosy làm chủ đầu tư đều có ý tưởng quy hoạch đề cao các yếu tố tiện ích và cây xanh. Mật độ xây dựng trung bình chỉ trên dưới 30%, quỹ đất còn lại dành để phát triển công viên cây xanh, hệ thống tiện ích đi kèm để phục vụ cư dân như: trường học, nhà văn hóa, trung tâm thương mại, khu thể thao, sân bóng đá, bóng chuyền…
“Chúng tôi mong muốn, mỗi cư dân sống trong khu đô thị do Kosy làm chủ đầu tư sẽ được hưởng môi trường sống tốt nhất, phù hợp cho cả ba thế hệ. Mỗi trẻ em sẽ có đủ không gian để vui đùa, điều kiện để phát triển toàn diện cả nhân, thể, mỹ”, ông Hoàn khẳng định.
Trong tương lai, theo ông Hoàn, với tầm nhìn giai đoạn 2020 – 2025, Kosy đang nghiên cứu để ứng dụng các yếu tố theo xu thế đô thị thông minh như: Green, Eco, Smart City, Smart Home,… “Có thể nói, chúng tôi không chỉ phát triển các sản phẩm bất động sản mà chúng tôi còn kiến tạo những khu đô thị giúp thay đổi diện mạo hiện đại hơn cho mỗi địa phương mà chúng tôi đặt chân tới”, ông chia sẻ thêm.
Theo vneconomy