Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Kosy nói về Quản trị theo mục tiêu trong các DN đa ngành
Kinh doanh đa ngành là một hình thức kinh doanh, nhưng có sự khác nhau giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp ngoài nhà nước. Đối với doanh nghiệp nhà nước, trong các lĩnh vực của nền kinh tế nhà nước thành lập ra các doanh nghiệp với nguồn vốn đầu tư là vốn của nhà nước, với vai trò quan trọng là điều tiết kinh tế vĩ mô.
Như vậy, mỗi doanh nghiệp nhà nước nên tập trung phát triển mạnh lĩnh vực kinh doanh của mình, nguồn lực phải được đầu tư có định hướng và mục đích cụ thể. Nếu đa ngành thì nên phát triển những ngành kinh doanh gần, hỗ trợ trực tiếp cho ngành kinh doanh chính và nằm trong giới hạn cho phép. Không nên có quan niệm là đầu tư vào đâu có lợi nhuận thì làm vì với những ưu thế đặc biệt của doanh nghiệp nhà nước thì đầu tư vào đâu cũng có thể có lợi nhuận.
Bên cạnh đó, khối doanh nghiệp ngoài nhà nước có những đặc thù riêng như nguồn vốn tự túc, mục tiêu là tối đa hóa lợi nhuận, vì vậy phải tận dụng các cơ hội kinh doanh. Mặt khác, trong điều kiện hạn chế về nguồn vốn, trình độ quản lý, chuyên môn nghiệp vụ và với mục tiêu là lợi nhuận, nên trong một thời gian nhất định doanh nghiệp phát triển tốt một ngành, đưa ngành kinh doanh này trở thành vững mạnh sẽ khó hơn là phát triển ngành kinh doanh đó ở mức độ vừa phải và phát triển thêm một số ngành kinh doanh khác. Kinh doanh đa ngành ở khối doanh nghiệp ngoài nhà nước là một hình thức kinh doanh. Khi đó, doanh nghiệp sẽ tận dụng được nguồn lực của nhau, huy động được nguồn vốn xã hội, làm gia tăng giá trị cho doanh nghiệp, góp phần phát triển thị trường, thương hiệu được cộng hưởng, làm tăng sức mạnh thị trường tương đối so với đối thủ, nâng cao năng lực quản lý kinh doanh của chủ doanh nghiệp, hạn chế được rủi ro so với kinh doanh một ngành.
Để theo đuổi chiến lược kinh doanh đa ngành, vấn đề đầu tiên là phải soát sét lại những ngành nghề kinh doanh hiện có của doanh nghiệp. Mục đích là giúp doanh nghiệp xác định những ngành nghề nào, những đơn vị nào cần tiếp tục phát triển, những ngành nghề nào, đơn vị nào cần đưa ra khỏi danh mục kinh doanh, và doanh nghiệp có nên thâm nhập vào lĩnh vực kinh doanh mới hay không, có hai cách tiếp cận :
(i) Sử dụng ma trận hoạch định danh mục BCG (Boston Consulting Group), giúp các nhà quản trị nhận diện các luồng ngân quỹ của các hoạt động kinh doanh khác nhau trong các danh mục kinh doanh và giúp xác định xem có cần phải thay đổi tổ hợp các đơn vị kinh doanh trong các danh mục này hay không.
(ii) Theo Gary Hamel và C.K. Prahalad, doanh nghiệp như là một danh mục các năng lực cốt lõi. Theo cách tiếp cận này, phát triển doanh nghiệp được định hướng vào duy trì các năng lực cốt lõi, tạo lập các năng lực mới, thúc đẩy các năng lực này bằng việc áp dụng nó vào các cơ hội kinh doanh mới.
Quản trị công ty đa ngành rất phức tạp, vì mỗi một ngành, một đơn vị kinh doanh có đặc thù khác nhau, càng phức tạp khi các đơn vị kinh doanh càng lớn. Trong trường hợp này, các nhà quản trị có thể áp dụng phương pháp Quản trị theo mục tiêu (management by objectives – MBO) là một phương pháp quản trị trong đó người quản trị tác động lên đối tượng quản trị bằng các mục tiêu và các tiêu chí đã được thống nhất. Đây là một phương pháp phản ánh sự chuyển biến từ hình thức quản lý mang tính chỉ huy, điều khiển, quản lý theo thời gian sang hình thức quản lý mang tính kết nối, cộng tác, tập trung vào các mục tiêu, nhằm đạt được kết quả tốt nhất từ những nguồn lực sẵn có.
Quản trị theo mục tiêu chính là quản trị việc xác định và thực hiện mục tiêu, đồng thời cũng là căn cứ vào mục tiêu để tiến hành quản lý. Mỗi thành viên trong doanh nghiệp có mức độ cống hiến không giống nhau, nhưng họ phải cùng cống hiến cho một mục tiêu chung. Sự vận hành của doanh nghiệp yêu cầu các hạng mục công việc phải hướng tới mục tiêu của cả doanh nghiệp, đặc biệt là nhà quản lý phải chú trọng đến thành quả của cả doanh nghiệp.
MBO có những ưu điểm như: xây dựng doanh nghiệp những mục tiêu; lập ra những kế hoạch đạt mục tiêu; doanh nghiệp có sự thống nhất và cam kết đạt mục tiêu; có sự cam kết của cấp dưới về yêu cầu, hiệu quả và mục tiêu công việc; phát huy trí tuệ và năng lực làm việc của cán bộ nhân viên; thúc đẩy làm việc vì mục tiêu của nhân viên và mục tiêu của doanh nghiệp; tối đa hóa nguồn lực doanh nghiệp, hạn chế sự lãng phí về thời gian, quản lý điều hành dễ hơn và nâng cao năng suất cho doanh nghiệp.
Sau đây là một số bước áp dụng phương pháp quản trị theo mục tiêu trong các doanh nghiệp đa ngành:
- Thiết lập một tập hợp các mục tiêu chiến lược cấp cao nhất: thiết lập mục tiêu chung cho toàn doanh nghiệp; mục tiêu riêng cho từng lĩnh vực, từng đơn vị kinh doanh; mục tiêu dài hạn và mục tiêu ngắn hạn.
- Xây dựng kế hoạch hành động dựa trên các mục tiêu: xây dựng kế hoạch cụ thể cho từng lĩnh vực, từng đơn vị kinh doanh, từng cán bộ nhân viên; xây dựng kế hoạch dài hạn, kế hoạch ngắn hạn.
- Phân bổ mục tiêu, kế hoạch cho từng bộ phận, từng nhân viên: các hình thức phân bổ; xác lập cơ chế tổ chức, hoạt động của đơn vị kinh doanh.
- Phương thức quản lý, điều hành: áp dụng các phương thức quản lý, điều hành, giám sát phù hợp từng loại doanh nghiệp.
- Định kỳ đánh giá kết quả và điều chỉnh: xác định nội dung và chỉ tiêu đánh giá; các hình thức đánh giá; các phương thức điều chỉnh mục tiêu, kế hoạch.
–Tạp chí Khoa học và Công nghệ –