Chuyến tàu thanh xuân Nậm Pạc
Hoàng Anh – Nhà máy Thủy điện Nậm Pạc
Những chàng trai vận hành nhà máy thủy điện không ngại ngần rời xa gia đình, bạn bè, để mua vé lên chuyến tàu thanh xuân Nậm Pạc.
Có một quãng thời gian tươi đẹp trong đời người, người ta gọi nó là thanh xuân. Một thời thanh xuân sôi nổi, một tuổi trẻ đầy nhiệt huyết, đam mê, mà khi đó, người ta sống vì hoài bão của mình, nỗ lực với công việc mà bản thân đã chọn. Và những chàng trai Nậm Pạc chúng tôi đang có chuyến tàu thanh xuân như thế.
Nhà máy Thủy điện Nậm Pạc, nơi chúng tôi sống và làm việc là một một nơi xa xôi, hẻo lánh, cách ngôi nhà của mình hàng chục, hàng trăm km. Bốn bề núi rừng hoang vu, trùng trùng điệp điệp, ngút ngàn một màu xanh của cây rừng, của bầu trời đầy nắng, đêm đêm tĩnh mịch đến vô cùng. Thứ mà chúng tôi cảm thấy ồn ào và nhộn nhịp nhất, có lẽ là âm thanh của máy móc vận hành. Sự yên bình đó lúc đầu có thể là một sự tách biệt thế giới đầy sôi động ngoài kia, khiến những chàng trai mới lên Nậm Pạc có đôi chút hụt hẫng, nhưng riết rồi cũng quen, rồi cũng yêu tự lúc nào.
Nằm ở vùng núi phía Tây Bắc, nhà máy Thủy điện Nậm Pạc 1&2 có vị trí nằm sâu trong những con núi chênh vênh, địa hình đi lại phức tạp, hiểm trở. Bước vào những ngày hè oi ả của tháng 5, tháng 6 cũng là lúc mùa mưa lũ về. Làm thủy điện, nước nhiều là lộc lắm, ai cũng mừng vui. Nhưng những ngày này, anh em chúng tôi lại bận rộn hơn. Vì về cùng với nước, lũ mang theo nhiều sự cố. Lũ về đất đá lấp hết đường, sông, hồ chứa, chúng tôi phải vận hành liên tục trực máy 24/24; cát về thường xuyên khiến tuần nào cũng đi dọn cát hết cả ngày trời đội mưa đội nắng…
Có khi mẹ thiên nhiên đem lại cho anh em chúng tôi những bất ngờ không thể quên được. Những cơn lũ có thể bất chợt kéo đến mà không hề được báo trước. Có nhiều lần, nước ngập cả con đường, khiến chúng tôi không thể qua cầu mà về nghỉ ngơi ăn uống được. Người bên này cầu, bụng đói nhìn người bên kia cầu tay cầm hộp cơm ăn ngon lành, trêu nhau cười tít mắt. Trên những gương mặt ấy, chúng tôi vẫn luôn thấy nụ cười của nhau, nụ cười pha chút bất lực vì không thể làm gì giúp đồng đội. Chưa kể, có những lúc anh em làm hết ca đêm, tan ca muốn về ngủ một giấc thật ngon thôi cũng thật xa xỉ vì nước lũ lớn quá. Rồi đường sá đi lại càng lúc càng khó khăn khiến cho việc cung cấp lương thực thực phẩm luôn trở thành một vấn đề nan giải; trời mưa nhiều quần áo giặt tay cũng chẳng kịp khô…
Có những lúc, những chàng thanh niên Nậm Pạc cũng thật mệt mỏi, nhưng phải cố gắng vực dậy tinh thần, tiếp tục hoàn thành công việc. Chúng tôi biết, trách nhiệm của mình rất lớn. Chúng tôi không nản lòng, luôn khích lệ an ủi, quan tâm lẫn nhau, cùng nhau tìm kiếm những niềm vui trong công việc. Dù biết rằng hiện tại và sau này sẽ còn nhiều thử thách, nhiều khó khăn hơn nữa nhưng chúng tôi sẽ luôn giữ lấy niềm vui của chính mình, niềm vui cùng đồng đội, niềm hạnh phúc khi có thể cống hiến hết mình cho những mục tiêu chung của nhà máy. Chúng tôi hiểu sự cố gắng của anh em vận hành sẽ góp phần thắp sáng được ước mơ của các mầm non tương lai, góp phần thắp sáng niềm hy vọng, niềm tin phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Lai Châu và khu vực.
Nhà máy Thủy điện Nậm Pạc không chỉ là một nơi làm việc. Đó còn là ngôi nhà thứ 2 của anh em vận hành chúng tôi! Góp công sức của thời thanh xuân sôi nổi để cống hiến cho quê hương đất nước tươi đẹp hơn là một niềm vinh hạnh thật lớn lao.
Cho tôi được mượn tứ trong truyện “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ” của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh để khép lại những dòng cảm xúc này. Rồi sẽ đến một ngày, chúng tôi – những chàng trai Nậm Pạc sẽ mong muốn mua tấm vé để về lại chuyến tàu thanh xuân năm ấy:
“Cho tôi xin một vé về thanh xuân
Người bán vé trả lời: Hôm nay vé hết.”