Kosy

Người đi tìm nguồn nước

Ngày 07/07/2021

Trong các nghề công trình, thủy điện là một nghề rất vất vả, khó khăn và nguy hiểm nhưng lại là nghề đem đến những niềm vui, hạnh phúc, đem ánh sáng đi khắp muôn nơi và rất đỗi tự hào.

Tập đoàn Kosy đã và đang thực hiện nhiều dự án thủy điện để có được gần 200 MW tương ứng gần 20 dự án lớn nhỏ khác nhau được chấp thuận bổ sung quy hoạch, trải dày trên khắp các tỉnh Tây Bắc. Đây không chỉ là thành công chung của Tập đoàn mà còn được xem như thành tích vượt bậc, xuất sắc của nhóm tìm kiếm và phát triển dự án thủy điện sau hơn một năm vất vả.

Do đặc thù của các dự án thủy điện, công đoạn quan trọng bậc nhất là kiếm tìm nguồn nước, xây dựng phương án, đưa ra giải pháp công trình, quyết định hiệu quả dự án. Đằng sau những thành công đó, phải kể đến những đóng góp của một số bộ phận, cá nhân con người Kosy đã dành nhiều tâm huyết vào dự án.

Tôi muốn chia sẻ với mọi người về những con người như thế, bằng những chứng kiến và cảm nhận của tôi, để chúng ta cùng hiểu họ hơn, thông cảm hơn với những nỗi vất vả của những con người gắn liền với núi rừng và đặc biệt, tôi xin được gửi lời cảm ơn đến tất cả.

Họ là những con người bình dị, là những thành viên trong nhóm phát triển dự án thủy điện mới, là các bác tài xế thông thạo tới từng khúc cua trên các nẻo đường… Phần lớn thời gian của họ là xa nhà, là ở dự án hay trên những cung đường quanh co, dưới những con suối sâu hoặc trên những mỏm núi cao. Họ đi cả tuần, khi thì đi từ sớm tinh mơ để còn kịp ra khỏi rừng khi trời vừa sẩm tối, lúc lại ở trong bản làng vì nước lũ về bất ngờ, không thể di chuyển được.
Các chuyến đi đôi khi không định trước. Có khi vừa về nhà được một ngày sau cả tháng xa nhà, chưa kịp thực hiện mấy lời hứa với vợ con thì vì công việc mà ngày mai lại xách ba lô lên đường làm nhiệm vụ. Hành trang trên vai cho mỗi chuyến đi đó cũng rất đơn sơ, nào chỉ cần mấy bộ quần áo, mấy chai nước lọc, mấy nắm cơm, một nắm xôi… là xong vì không phải lúc nào cũng có quán cơm để ăn, có nhà để nghỉ, tiện đâu thì nghỉ ở đó, ăn ở đó.

Những lúc nghỉ ngơi, anh em lại nghĩ về chính nghề nghiệp của mình, người thì nghĩ về gia đình vợ đang vất vả nuôi con nhỏ, người thì lo không có ai đỡ đần mẹ già khi ốm đau…, có lúc lại nghĩ, có nên tiếp tục nữa không, có lúc cũng chán nản nhưng rồi anh em cũng cũng tự động viên nhau để vượt qua, nhìn về gia đình mà cố gắng, vì nghiệm vụ được giao phải hoàn thành, vì đã theo cái nghiệp “đi tìm nguồn nước” lắm vất vả mà cũng không ít tự hào này.

Anh Đăng, thành viên nhóm phát triển dự án, do không có đường đi nên phải băng qua đường ống dẫn nước này,

sẩy chân là nguy hiểm luôn đến tính mạng.

Rồi những chuyến đi mà nhiều khi anh em có nói đùa với nhau là có về đến tận nhà mới biết là mình còn sống, mới thấy là an toàn. Tôi nói vậy không ngoa đâu, có đi rồi mới biết, đường lên Tây Bắc hiểm nguy. Lúc thì vượt qua nhưng vách núi dựng đứng, khi thì qua các con đèo sương mù mà anh em lái xe thường hay bảo, không biết phía trước là gì, chỉ có mây mù trắng xóa, có khi chỉ nghe thấy tiếng xe đi ngang qua, rồi có những lúc đoàn phải dừng đợi trong đêm cả giờ vì núi lở, khi thì đi cả tiếng đồng hồ được vài km vì đường mưa trơn trượt.

Anh em đi dự án vất vả là vậy, đôi lúc có chán nản, nhưng phần lớn lại là những tiếng cười vì niềm vui, niềm đam mê công việc. Tôi đã có dịp ngồi với hậu phương của các anh em, người thì bảo không muốn cho chồng đi nữa, người thì nói rất lo lắng chỉ mong chồng được trở về nhà an toàn sau những chuyến đi. Rồi cũng nghe những tâm sự, từ việc vợ chồng lục đục vì anh em đi vậy không có thời gian để quan tâm đến gia đình, đến con cái, công việc nội ngoại hai bên, con cái phải mang đi gửi ngoại hay phải thuê người trông. Nhưng rồi tất cả cũng qua, khó khăn đều được khắc phục, vì hậu phương của anh em đã cảm thông cho công việc đầy vất vả, cố gắng chăm sóc gia đình thêm phần của họ. Những người phụ nữ thấu hiểu rằng những người chồng của họ đang phải hi sinh rất nhiều, mà không phải ai cũng có thể làm được, sự hi sinh cho công việc của các anh rất đáng để tự hào.

Được chứng kiến và đồng hành với các anh em ở một số dự án thủy điện, tôi rất thán phục, phần vì thấy các anh quá vất vả nhưng vẫn hoàn thành tốt công việc được giao, phần vì thấy đúng là phải có nhiệt huyết và đam mê với nghề mới làm được. Đúng như anh Tuân – Phó ban Điện gió đã từng nói “Đôi khi làm vì đam mê chứ không cần gì hết, ngày mai về chạy Grab cũng vui”. Rõ ràng, nếu không có đam mê thì khó mà làm được. Một lần nữa tôi xin được cảm ơn tới anh em nhóm phát triển dự án thủy điện như anh Đăng, anh Tấn… hay anh em đội xe như anh Nghĩa, anh Nghị, anh Dũng, những con người đi tìm nguồn nước.

Chia sẻ: