Kosy

Ông Nguyễn Việt Cường – Chủ tịch Tập đoàn Kosy: “Nhận thức thay đổi rất lớn từ khi biết đến Phật pháp”

Ngày 01/04/2022

(Bài viết được chấp bút từ lời chia sẻ của ông Nguyễn Việt Cường tại Lễ khởi công xây dựng chùa An Ninh Thượng, xã Văn Lung, TX Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ ngày 23/3/2022).

Chủ tịch Nguyễn Việt Cường chia sẻ những thay đổi lớn khi biết đến Phật pháp
 tại Lễ khởi công xây dựng chùa An Ninh Thượng.

Là Phật tử, tôi và đại gia đình đều đã Quy y Tam bảo. Biết đến Phật pháp đã lâu nhưng tôi chính thức nhận pháp tu đầu tiên vào năm 2016. Tôi tu Mật tông, Đông mật và Chuẩn đề. Sau 6 năm, pháp tu của tôi được nâng cao dần lên. Ba năm gần đây, tôi quan tâm nhiều đến Phật pháp, tìm hiểu sâu về Phật pháp và ý thức hơn, chuyên tâm hơn cho việc tu học.

Hàng ngày, tôi dành khoảng 45 phút trì chú Mật tông và cũng dành khoảng 1-2 tiếng nghiên cứu, tìm hiểu về Phật pháp như: nghe giảng pháp trên Youtube, đọc sách về Phật pháp…

Từ khi tôi biết đến Phật pháp và đặc biệt sau 3 năm chuyên tâm tu học hơn, bản thân tôi thấy nhận thức, sự hiểu biết, cách nhìn của mình thay đổi rất lớn so với trước. Những thay đổi này rất quan trọng, làm thay đổi cuộc sống, giúp tôi thành công hơn, sống vui vẻ, hạnh phúc và mạnh khoẻ hơn. Có rất nhiều điều tôi muốn chia sẻ, nhưng trong khuôn khổ bài viết này, tôi xin chia sẻ một số vấn đề mà tôi đã rút ra từ những trải nghiệm thực tiễn của bản thân mình.

Vấn đề thứ nhất, về những biến cố hay những khó khăn trong cuộc sống.

Từ trước đến nay, tôi phải trải qua 2 giai đoạn sóng gió và khó khăn. Giai đoạn thứ nhất là năm 2003 – 2004 khi mới ra trường, tốt nghiệp đại học được vài năm. Khi đó công việc không ổn định, làm chỗ nọ rồi chỗ kia và tham gia vào việc thi hộ, thi thuê vào đại học và bị trả một giá đắt.

Giai đoạn thứ 2 là giai đoạn năm 2012 – 2014, khi đó nền kinh tế Việt Nam bị suy thoái và thị trường bất động sản bị ảnh hưởng nặng nề, Tập đoàn Kosy lúc đó là Công ty Cổ phần Kosy vừa mới thành lập được vài năm và gặp muôn vàn thách thức.

Sau này nghĩ về 2 giai đoạn đó hay cả những trục trặc, khó khăn khác mà tôi đã gặp phải, tôi rất áp lực, luôn suy nghĩ, trăn trở, thường trách bản thân mình thiếu hiểu biết, năng lực hạn chế, tính toán sai nên mới để xảy ra những việc này, khiến mình phải rơi vào hoàn cảnh này, làm ảnh hưởng tới nhiều người.

Chủ tịch Nguyễn Việt Cường nhận Giấy chứng nhận Quy y Tam bảo từ Thượng toạ
Thích Tâm Thuần – Trụ trì Thiền Viện Trúc Lâm Sùng Phúc.

Nhưng sau khi biết đến Phật pháp, tôi hiểu rằng mỗi người đều có một nghiệp, một phước báu riêng. Nghiệp của mỗi người ở kiếp này là quả của cái nhân bản thân mình ở vô lượng kiếp trước. Mỗi người có một nghiệp, không ai giống ai, nghiệp tốt hay nghiệp xấu đều do các kiếp trước của chúng ta quyết định. Nếu trong các kiếp trước, chúng ta tạo được nhiều công đức thì kiếp này chúng ta có nghiệp tốt và ngược lại. Người có nghiệp tốt thì có sự nghiệp thành công, cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Người có nghiệp xấu thì có cuộc sống bất hạnh, nghèo khổ. Người có nghiệp tốt dẫn đến đẹp trai, xinh gái, thông minh, giỏi giang. Người có nghiệp không tốt lúc trẻ thì đẹp trai, xinh gái, nhưng lớn lên lại xấu và càng về già càng xấu. Người có nghiệp tốt thì khi nhỏ có thể lười học, nghịch ngợm, nhưng lớn lên lại tu chí và thành công. Người thì phải trải qua nhiều thất bại, vấp ngã mới thành công. Người thì vấp ngã suốt nhưng vẫn không đứng dậy được.

Tôi nhận ra rằng, nghiệp của tôi là phải trải qua 2 giai đoạn khó khăn trên, là cái quả tôi phải gánh chịu cho những cái nhân mình đã gây ra trong các kiếp trước. Khi thấu hiểu những điều này, biết được nghiệp của mình ở đời này phải như vậy, phải trải qua những gian lao, những khó khăn, những vấp ngã thì tôi chấp nhận nó, đón nhận nó với thái độ lạc quan, tự tại. Giai đoạn khó khăn thứ nhất đã giúp tôi từ một người không có lý tưởng sống đúng đắn, không có mục tiêu cho cuộc đời mình, trở thành một người có bản lĩnh, có những khát vọng, mục tiêu cho cuộc đời mình rõ ràng. Giai đoạn khó khăn thứ hai rèn luyện khả năng vượt khó của tôi. Tôi rút ra được những bài học, có những tư duy đúng đắn, giúp tôi hoạch định những chiến lược cho Tập đoàn Kosy sau này.

Khi hiểu ra nghiệp của mình là vậy, phải trải qua những giai đoạn sóng gió đó thì tôi không còn dằn vặt nữa, không trách bản thân mình nữa, không trách mình tính toán sai, không đổ lỗi do ngoại cảnh. Tôi chấp nhận những điều đó, sống vui vẻ, lạc quan, sẵn sàng đón nhận những thử thách, chông gai ở tương lai phía trước.

Vấn đề thứ hai, về một số những đòi hỏi trong cuộc sống.

Khi còn nhỏ chắc chắn nhiều người trong chúng ta muốn nhà mình phải giàu có hơn, bố mẹ mình phải thành đạt hơn, giỏi giang hơn. Khi lớn hơn thì muốn nhà mình ở thành phố, không muốn ở nông thôn, muốn mình phải đẹp trai hơn, xinh gái hơn, thông minh, học giỏi. Khi trưởng thành thì chồng muốn vợ phải đẹp, chân dài, con nhà gia giáo; vợ muốn chồng phải giỏi, biết kiếm nhiều tiền, thành công, ga lăng (nhưng lại không thích gái đẹp) và muốn những đứa con phải đẹp, giỏi, có hiếu.

Tất cả những cái “giá như” đó nó nằm trong suy nghĩ của nhiều người nhưng thực tế chúng ta không có được những điều đó. Không có được nên sinh ra trách bố mẹ mình không thành công như bố mẹ người khác; trách bố mẹ mình không thông minh nên đẻ ra mình không thông minh như cậu bạn; trách bản thân mình sao lại lấy phải người vợ xấu, không thật thà, hay trách con mình sao không giỏi như con người khác. 

Chủ tịch Nguyễn Việt Cường cùng gia đình và một số CBNV Tập đoàn Kosy
Quy y Tam bảo tại Thiền viện Sùng Phúc.

Chúng ta có những suy nghĩ đó, nhưng chúng ta vẫn phải chấp nhận vì thực tế là vậy. Ta mong muốn người hàng xóm họ chuyển đi nơi khác (vì họ hát karaoke suốt ngày) nhưng thực tế phải chấp nhận việc họ có thể không bao giờ chuyển đi. Ta chấp nhận những thực tế đó nhưng trong đầu ta vẫn nặng nề, không thông suốt. Tôi cũng từng có những suy nghĩ, những nhận thức như vậy trước khi biết đến Phật pháp. Sau khi tôi biết đến Phật pháp, nhận thức của tôi đã hoàn toàn thay đổi. 

Mỗi người có một nghiệp, một phước báu. Nghiệp của mình là vậy, do ăn ở trong các kiếp trước dẫn đến mình có nghiệp như vậy ở đời này. Mình muốn tái sinh trong một gia đình bố mẹ làm quan to cũng không thể được. Vì cuộc sống, công đức trong tiền kiếp của mình chỉ như vậy, nên kiếp này mình phải tái sinh trong một gia đình như vậy. Và do nghiệp quá khứ, mình lấy một người vợ, người chồng và đẻ ra những người con như vậy. Mình muốn khác không được, vì nó do công đức các kiếp quá khứ của mình quyết định. Có những người con đến để phụng dưỡng mình, nhưng cũng có những người con đến để đòi nợ mình vì kiếp trước mình mắc nợ nó, kiếp này nó đến đòi nợ nên phá phách, làm cho gia đình tan hoang. Có trường hợp con giết cha, đấy là trường hợp con cái tái sinh để trả thù bố mẹ. 

Tất cả những điều đó ta phải vui vẻ chấp nhận, vì đều do duyên và nghiệp, đều do các tiền kiếp của ta quyết định. Khi hiểu ra những điều đó thì chúng ta không trách bố mẹ nữa, không trách vợ không biết đẻ nữa (đẻ ra toàn con gái), không trách hàng xóm nữa, vì tất cả những điều đó đều do nghiệp của chính mình.

Vấn đề thứ ba, về giao tiếp, đối xử với những người xung quanh.

Trước đây khi còn là sinh viên và sau này khi ra trường tôi cũng hay đọc những cuốn sách về giao tiếp để mình nói chuyện, thuyết phục người khác được tốt hơn. Trong các cuốn sách về giao tiếp có cuốn “Đắc nhân tâm” của Dale Carnegie tôi đọc đi đọc lại nhiều lần. Trong các cuốn sách đó dạy rất nhiều những quy tắc, những bí quyết để giao tiếp tốt, ví dụ như phải có thái độ đúng mực, ăn mặc phù hợp, sự tôn trọng, chân tình, khen ngợi, không chê bai, không nói xấu…

Những lời dạy đó hay, những bí quyết đó rất bổ ích, giúp tôi nhiều trong giao tiếp. Khi giao tiếp, tôi xem đối phương có điểm gì đáng khen không để khen; phải luôn để ý đến thái độ, tác phong, lời nói sao cho phù hợp. Tôi luôn phải cố gắng để làm được điều đó, phải để ý thái độ, lời nói để làm sao được tự nhiên nhất, thật nhất, chân tình nhất, vì nó bị ép buộc, nó không xuất phát từ tâm mà bị ép ra từ mong muốn và suy nghĩ của mình.

Nhưng khi biết đến Phật pháp, tôi hiểu rằng, có những người yêu quý mình, có những người ghét mình, có những người làm hại mình. Tất cả đều do nghiệp, đều do nhân quả. Người ghét mình thì chắc là kiếp trước hay trước đây mình cũng gây ra lỗi với họ, người hại mình thì chắc là trước đây mình cũng đã từng hại họ. Có những người giỏi hơn, thành công hơn, xinh đẹp hơn… Tất cả cũng đều do nghiệp của họ, kiếp trước họ có nhiều công đức thì kiếp này họ được hưởng như vậy. Nghiệp của mình khác nghiệp của họ. Khi hiểu ra điều này, hiểu được gốc rễ vấn đề thì mình không ghen tỵ với họ nữa, không đố kỵ với họ nữa, và ngược lại luôn ngưỡng mộ họ, chúc mừng sự thành công của họ và coi họ là tấm gương để học tập.

Một buổi nghe thuyết pháp của gia đình Chủ tịch Nguyễn Việt Cường tại
Thiền viện Sùng Phúc.

Chúng ta cũng biết rằng mọi cuộc gặp gỡ đều có nhân duyên, mỗi người đến với mình đều có nguyên do. Người đến với mình dạy cho mình bài học này, người dạy cho mình kinh nghiệm khác. Do vậy, ta luôn phải trân quý tất cả những người đã đến với ta, kể cả những người làm tổn thương ta, có nghĩa là họ đến đòi nợ ta hoặc đến để dạy cho ta một bài học quý.

Khi biết đến đạo Phật và trải qua quá trình tu học, dần dần tôi thấy mình học được lòng từ bi, thương yêu mọi người và chúng sinh; dùng cái tâm mình đối xử với những người xung quanh, trong tâm của mình luôn yêu quý tất cả mọi người. Những điều đó xuất phát từ tâm, nên khi giao tiếp tự thể hiện qua thái độ, lời ăn tiếng nói phù hợp, sự trung thực, yêu thương, chân tình. Điều này là gốc rễ của việc giao tiếp thuyết phục, hiệu quả.

Vấn đề thứ tư, về thành công, phát triển sự nghiệp.

Bản thân tôi có một khát vọng lớn và để thực hiện được điều đó, tôi phấn đấu học tập, học đại học, rồi học lên cao hơn Thạc sỹ, Tiến sỹ và đọc nhiều sách, tài liệu… Trong đó, tôi thích nhất cuốn “Bí quyết kinh doanh để trở thành người giàu có và hạnh phúc” của Napoleon Hill, nay đổi tên thành “Nghĩ giàu và làm giàu”. Ngoài ra, tôi đọc rất nhiều sách về kinh doanh, về doanh nhân, về thành công, về phát triển con người. Gần đây, tôi nghe sách nói tóm tắt, năm ngoái tôi nghe được khoảng 500 cuốn sách tóm tắt, năm nay tôi phấn đấu nghe được 1.000 cuốn tóm tắt, mỗi cuốn bình quân nghe khoảng 45 phút. Các cuốn sách đó có dạy rất nhiều bí quyết để thành công, như phải có lòng mong muốn (khát vọng), phải biết cách đặt mục tiêu, biết lập kế hoạch, rồi cần phải tự tin, kiên trì, vượt khó… Từ trước đến nay, tôi vẫn luôn vận dụng theo những lời dạy trong những cuốn sách đó, những lời dạy đó có nhiều giá trị và rất bổ ích.

Khi chưa biết Phật pháp, tôi nghĩ để thành công thì phải có khát vọng, phải học tập, đọc sách để nâng cao năng lực; phải cố gắng trong công việc, phải tính toán, có những kế sách, mưu lược trong kinh doanh. Tôi nghĩ chỉ cần như vậy là có thể thành công, có nghĩa gần như tất cả chỉ phụ thuộc vào sự nỗ lực, cố gắng của bản thân mình. Ngoài ra, tôi cũng có những suy nghĩ là phải cố gắng hơn người nọ, người kia, hay doanh nghiệp của mình lãnh đạo phải phát triển hơn doanh nghiệp khác, phải phấn đấu to hơn, lớn hơn họ.

Nhưng khi biết đến Phật pháp, tôi hiểu rằng sự thành công không phải đều đến từ những thứ đó. Thành công hay thất bại phần lớn do nghiệp, do phước đức của mình quyết định. Nghiệp của mình tốt, mình cố gắng thì sẽ thành công, còn nghiệp của mình không tốt thì mình có học cao, có nỗ lực, có dùng mưu lược gì thì cũng rất khó để thành công. 

Do vậy, tôi nhận ra rằng tất cả sự nỗ lực học tập, chăm chỉ trong cuộc sống cũng chỉ góp một phần vào sự thành công. Sự thành công đến với mình là phần lớn do nghiệp, phước báu của mình quyết định. Và thậm chí, nghiệp của mình đưa mình đến là người ham học, chăm chỉ làm việc và cái nghiệp cũng đưa mình đến là người lười làm việc, lười lao động. Việc có suy nghĩ là phải hơn người nọ, người kia, doanh nghiệp của mình phải lớn hơn doanh nghiệp khác… Tất cả những thứ đó đều do nghiệp của mình và nghiệp của họ, do phước báu của mình và phước báu của họ. Phước của họ lớn hơn thì họ sẽ đưa doanh nghiệp của họ lớn hơn và phát triển bền vững và nếu phước của mình kém thì mình khó có thể đuổi kịp họ.

Trước tôi cũng nghĩ việc người ta làm được thì mình cũng làm được, nhưng giờ tôi thấy câu nói đó không đúng (chỉ mang tính động viên, để phấn đấu thôi). Người ta làm được nhưng mình không chắc đã làm được, vì do nghiệp, nghiệp của họ khác mình, phước đức của mình khác phước đức của họ.

Khi nhận ra điều đó, một mặt, tôi cố gắng học tập, học tập được càng nhiều càng tốt, thậm chí tôi học nhiều hơn trước và tôi tập trung cho công việc, cố gắng làm mọi thứ tốt nhất có thể. Mặt khác, tôi đi tìm hiểu xem cái nghiệp của mình, cái phước của mình như thế nào. Qua nhiều năm nghiên cứu Phật pháp, tu Mật tông, tu Thiền và nghiên cứu về khoa học tử vi, tướng số, tâm linh, trải nghiệm công việc thực tiễn…, tôi cũng hiểu tương đối rõ về nghiệp, về phước của mình. 

Khi hiểu về nghiệp, về phước của mình, tôi kiểm soát lòng mong muốn hay khát vọng của mình phù hợp với nghiệp, với phước của mình. Tôi đặt mục tiêu, kế hoạch phát triển theo nghiệp của mình, làm sao các mục tiêu không vượt quá cái phước của mình. Bên cạnh đó, hàng ngày tôi tu học mong muốn được dừng, được chuyển cái nghiệp xấu của mình và tăng thêm công đức để phước đức của mình ngày càng được lớn hơn, để mình có thể được làm những việc lớn hơn.

Khi biết đến đạo Phật, những nguyên lý Phật giáo đã làm thay đổi nhận thức, suy nghĩ của tôi theo hướng tích cực, đúng đắn, giúp tôi hiểu gốc rễ các vấn đề.

Gần đây, tôi nhận thấy bản thân mình gặp nhiều may mắn hơn, tôi nhận thấy trực giác của mình phát triển hơn, có linh cảm tốt hơn. Có nhiều điều kỳ diệu đến với bản thân mình, nhiều quyết định mình đưa ra mà bản thân mình bất ngờ. Khi đưa ra rồi tôi mới biết không hiểu tại sao mình lại đưa ra được những quyết định như vậy. Như thể có thế lực siêu hình nào đó tác động vào tâm thức tôi, trợ giúp tôi đưa ra những quyết định đó.

Có một điều tôi luôn tiếc nuối, đó là: Tôi tiếc rằng duyên của mình không cho mình biết tới Phật pháp sớm hơn. Những giáo lý của Đức Phật là một kho tàng khổng lồ kiến thức, tri thức của nhân loại. Đạo Phật giúp tôi có cuộc sống mạnh khoẻ hơn, vui vẻ hơn, thành công hơn và hạnh phúc hơn.

Qua những chia sẻ trên đây, một lần nữa, tôi muốn nói rằng, biết đến đạo Phật, bạn sẽ được biết đến nghiệp, biết đến phước báu. Do vậy, sống ở trên đời, thành công hay thất bại hãy luôn vui vẻ đón nhận, vì nó là cái quả của những cái nhân ta đã gây ra ở trong tiền kiếp và trong quá khứ. Khi ta thành công thì cũng không nên quá vui mừng vì nó là cái quả của ta đã gieo ở kiếp trước và kiếp này ta được hưởng. Nếu có thất bại thì cũng vui vẻ đón nhận vì nó là cái quả ta phải gánh chịu cho những cái nhân ta đã gây ra trong quá khứ và tiền kiếp. Biết được những điều này, bạn sẽ giữ được tâm thái vui vẻ, hạnh phúc, sẵn sàng đón nhận tất cả những gì đến với bản thân mình dù thành công hay thất bại. 

Để có cuộc sống tốt đẹp hơn, hãy làm cho phước đức của mình tốt lên hàng ngày bằng cách: làm nhiều việc tử tế, làm nhiều việc tốt, cố gắng giữ được 5 giới và phải biết hành thiện, biết tu học để dừng nghiệp, để chuyển nghiệp. Làm được điều này thì quãng đời còn lại của chúng ta sẽ tốt đẹp hơn, kiếp sau sẽ được tái sinh vào cõi lành và nếu tiếp tục được làm người thì cũng có cuộc sống thành công hơn kiếp này.

Chia sẻ: